Nhắc tới Huế chắc hẳn ai cũng nghĩ tới món Cơm hến đầu tiên. Bởi món ăn này dân dã, có mặt ở khắp nơi từ những quán ăn nhỏ trong chợ, các ngõ phố tới những nhà hàng sang trọng trong thành phố Huế. Hãy cùng theo chân Visatoancau để trải nghiệm món ăn đặc sắc này nhé!
Giới thiệu quán Cơm Hến ở Cồn Hến – Huế
Cứ mãi xách balô lên, đi và ăn. Việc gặp được quán ăn ngon cũng là duyên. Mình nghĩ vậy khi vô tình biết đến quán Cơm Hến, Bún Hến của cô Hoa ở Cồn Hến, thôn Vỹ Dạ, Huế trong chuyến ghé thăm Huế vừa rồi.
Mình tò mò về thôn Vỹ Dạ mà được nhà thơ Hàn Mặc Tử nhắc đến trong bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ”. Không biết như nào mà trong não cá vàng của mình vẫn còn lất phất đâu vài ba câu thơ trong bài ấy mới kinh chứ. Câu này nè:
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
“Mặt tiền” của Vỹ Dạ nằm trên con đường Nguyễn Sinh Cung, khá gần trung tâm TP Huế nên dễ òm để mình tìm tới. Cứ mãi thơ thẩn lang thang thì mình nhìn thấy có một cây cầu bắc ngang dòng sông Hương. Chợt nghĩ, ái chà, có vẻ là mình sẽ “trốn” được tiếng xe, tiếng còi & khói của những chiếc xe đang chạy hà rầm trên con đường Nguyễn Sinh Cung này, làm mất đi vẻ đẹp thôn Vỹ Dạ mà mình hình dung.
Nghĩ là làm. Mình đi thẳng qua cây cầu Phú Lưu để tới Cồn Hến. Nơi được hình thành bởi sự bồi lấp phù sa của dòng sông Hương và chia sông Hương ra thành 2 nhánh. Dân nơi này xưa giờ sống bằng nghề cào hến, chế biến hến,… nên nơi này còn được coi là cái vựa hến của Huế luôn cơ mà. Thế là cái tên Cồn Hến được hình thành từ đó, và cây cầu Phú Lưu cũng có tên gọi khác là cầu Hến – chiếc cầu độc đạo để đi qua cồn.
Cứ đi thẳng hướng cây cầu ấy là tới bến đò ngang, nơi người dân ở đây dùng để đưa dân nơi này qua lại giữa Cồn Hến và khu phố cổ Chi Lăng ở phía bên kia bờ sông Hương. Khi nắng xuống đổ ánh vàng lên mặt sông, thêm chiếc thuyền nhỏ chầm chậm chèo ngang qua. Chu cha ơi, nhìn thật là đẹp và nên thơ…
Gặp vài ông bà lớn tuổi ở đây. Mình hỏi han về chỗ làm hến – cái tánh tò mò của mình bỏ mãi không được T.T – thì được chỉ đến chỗ nhà làm hến nhưng tiếc là lúc mình đến không phải là lúc họ làm việc. Vì, hoạt động thu mua và chế biến hến nơi này thường diễn ra vào khoảng 1h đến 7h sáng.
Tuy không còn nhiều nhà giữ nghề này như trước vì hến quanh khu này dần cạn kiệt vì nạn khai thác cát trái phép làm ảnh hưởng cuộc sống sinh trưởng của hến, nhưng vẫn còn vài nhà gom hến từ mọi nơi gần xa về đây, chế biến và bán ra ngoài. Nhộn nhịp nhất là 4-5h nha.
Cứ lang thang, thơ thẩn ngắm con đường, ngắm những hàng cau,… bất giác nhận ra mình đang ở con đường với quá chừng bảng hiệu Cơm Hến, Bún Hến, Cháo Hến,… dọc khắp con đường.
Kiệt số 7 Ưng Bình này giống như là con đường ẩm thực của cồn Hến vậy, cứ đi vài bước chân là lại có một quán, cứ thế cho đến dọc hết con đường. Nhìn dãy bảng hiệu là biết đặc sản nơi này không chỉ là các món Hến mà còn có món chè Bắp nữa.
Nổi tiếng nhất Kiệt số 7 này là quán cơm hến Hoa Đông, nằm ở địa chỉ số 64/7 Ưng Bình. Từ ngoài Ưng Bình rẽ vào con kiệt này, đi bộ chắc khoảng 5 phút nữa, nhìn bên phải là sẽ thấy ngay bảng hiệu của quán. Àh, tránh nhầm với quán Hoà Đồng ở gần ngã 3 Ưng Bình nha. Nói chung là cứ đúng địa chỉ mà đến là được.
Trải nghiệm hương vị của món Cơm Hến
Đặc trưng của các quán miền Trung là chiếc bàn thâm thấp. Bụng có hơi bị như mình ngồi cũng thấy thoải mái :)))))) Hạ mông xuống là thấy ưng rồi ha! Dòm lên bảng giá thì thấy:
Mẹ ơi, shock về giá luôn! Tô đặc biệt mà chỉ có 15.000, mà lại còn ghi rõ là: Nhiều Hến nữa chứ. Gọi ngay liền tay các món: Cơm Hến, bún hến đặc trưng ở đây.
Quán này không nhiều khách du lịch như khu cơm hến ở đường Hàn Mặc Tử bên kia cây cầu Đập Đá nên cũng thoải mái. Trong thời gian chờ đồ ăn ra thì ra chiếc bàn đang để có nguyên liệu để chế biến tô hến để xem và trò chuyện với cô chủ quán.
Cô Hoa là chủ quán, chồng cô ý tên Đông nên tên quán là Hoa Đông. Haha. Cô hay cười lắm và rất cởi mở với khách nữa. Mình xin vào chỗ cô đứng bán hàng, cô chịu liền luôn chứ. Cô còn kể là quán này đã mở hơn 36 năm rồi.
Đứng đây mình quan sát được những vật liệu để làm nên tô cơm, tô bún hến là đơn giản: bún, cơm nguội để qua đêm cho các hạt cơm rời nhau, dọc mùng được bào nhỏ, đậu phộng được chao qua dầu cho bóng bẩy, dứa và khế xắt nhỏ, rau thơm,… mình để ý nhất là hủ mắm ruốc, chao ôi cái mùi nó thơm gì đâu ih. :v Đấy, toàn là những thứ dễ kiếm và rất dân dã như tính cách của con người nơi đây vậy.
Và đây là thịt hến sau khi đã được luộc chín bỏ vỏ. Con to có, con nhỏ có. Mình thấy con to thường dùng để làm món hến xào xúc bánh đa, con nhỏ thường được bỏ vào tô bún, cơm hến hơn. Tuy nhiên, con nào cũng ngon và ngọt nước cả nhé.
Chờ một tí thì những món ăn của mình cũng đã xong.
Để ý thì thấy luôn có một tô nước có màu đục đục đi kèm – đấy là nước luộc hến đấy ạh. Để tránh bị đau bụng cho ai chưa quen, nước luộc hến ở quán luôn được đun sôi, nấu kỹ trước khi đem ra cho khách. Có chỗ thì nêm nếm gia vị, còn chỗ cô Hoa thì để yên vị nước hến nên khi húp bạn sẽ thấy nước nhạt tuếch ra. Nhưng nếu chan ít nước hến vào tô cơm, tô bún và trộn đều lên ăn thì ngon banh xác nha.
Dòm cái tô được mang ra với đầy đủ màu sắc từ các nguyên liệu làm nên món này thật đẹp mắt chứ.
Thường thì quán đã cho gia vị, mắm ruốc sẵn vào tô rồi nên bạn không cần cho thêm gì đâu. Chỉ thêm ớt cho cay cay, ăn cho đã thôi nghen. Còn thèm mặn hơn nữa thì cứ thêm mắm muối tuỳ ý bạn. Rồi, giờ thêm tí nước hến vào, trộn lên và ăn thôi. Với mình thì mình thấy đủ vị cay – chua – mặn – ngọt – bùi – giòn giòn trong một tô hến như thế này.
Ăn chưa đã miệng và đã bụng. Vì tô này cũng không quá to nên với cái thân gấu như mình thì ăn 2 tô trở lên mới vừa =))) Mình gọi thêm mì hến và hến xào.
Mì hến cũng tương tự như bún và cơm hến, chỉ thay bún, cơm bằng sợi mì gói đã trụng qua nước sôi rồi thôi. Hến xào thì đậm vị hến hơn vì không bị xen lẫn bởi những nguyên liệu khác, nên thử nha.
Ở quán cô Hoa này còn có cả bánh bèo chén và bánh bột lọc nóng hổi, thơm ngon tự nhà cô ih làm và nấu nha.
Ăn no nê xong xuôi. Mình tráng miệng bằng ly chè bắp, giải khát với ly cơm rượu. Haha. Đúng là ăn cho bõ công đến đây.
Ăn no nê cành hông rồi mình mới chịu tính tiền, đứng dậy và ra về. Cô Hoa còn với theo nói: “Có dịp ra Huế nhớ ghé dì ăn cơm hến nghen…” bằng cái giọng Huế ngọt ngào và cười chào tạm biệt mình chứ.
Mỗi bước chân rời khỏi quán trở nên nặng nề hơn vì đã “nạp” vào người quá nhiều đồ ăn và thức uống. Được cái là, ngon và rẻ! Đã đến Huế thì phải ăn món Huế sao cho đúng chất ha!
Cảm ơn bạn theo dõi bài viết!