Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các dịch vụ làm visa của Visa Toàn Cầu, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Visa Toàn Cầu". (Ví dụ: dịch vụ visa hàn quốc visatoancau). Tìm kiếm ngay
494 lượt xem

Rùa Con Về Với Biển Diễn Ra Như Thế Nào?

Vùng biển, đảo Quảng Trị hiện có đến năm trong số bảy loài rùa quý hiếm của thế giới có tên trong Sách đỏ, sinh sống. Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đang tìm mọi cách bảo vệ những con rùa quý hiếm như báu vật của đại dương trước nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới. Bài viết dưới đây sẽ cho bạn biết hành trình rùa con về với biển diễn ra như thế nào?

Hành trình Rùa biển Mẹ trở về nơi chúng được sinh ra để để trứng

Rùa Con Về Với Biển

Một đặc điểm thú vị của loài rùa biển là, rùa cái sẽ quay trở lại đúng nơi chúng từng được sinh ra và thả về biển để đẻ trứng khi chúng trưởng thành và thành thục sinh sản sau khoảng 20 – 30 năm. Cho dù mấy chục năm sau đó, nó có đi đâu và làm gì đi chăng nữa, đến lúc đẻ cũng về lại. Có nhiều giả thuyết được đưa ra về điều thú vị này, như là, rùa biển có khả năng cảm nhận từ trường của Trái đất tại vị của khu vực nơi chúng sinh ra để điều hưởng di cư ki đến mùa sinh sản – giống như nhiều loài chim di cư khác; mà cũng có giả thuyết cho rằng, ở khoảnh khắc rùa con bò ra hướng biển là lúc chúng ghi nhận các đặc điểm của khu vực xung quanh đó để tìm về lại nơi này.

Rùa biển nhìn vậy chứ khó tính lắm luôn đó. Rùa mẹ có hệ thống thị giác và thính giác khá là phát triển. Mắt của rất nhạy cảm với những ánh sáng với màu sắc có bước sóng ngắn như tím, xanh dương, vàng nhưng lại kém nhạy cảm với màu cam và đỏ. Tai của chúng cũng thính không kém. Nên, để tăng thêm tính an toàn cho ổ trứng, rùa mẹ chỉ chọn những nơi có bãi biển vắng vẻ, hoang sơ, ít có dấu hiệu của con người sinh sống để đẻ trứng.

Ban ngày là thời gian rùa mẹ đi vòng quanh để tìm nơi vắng vẻ, khi đêm xuống cùng với lúc thuỷ triều lên, là lúc rùa mẹ bò lên trên các bãi biển để bắt đầu quá trình đẻ trứng. Vì vậy, khi đi tuần tra trên các bãi đẻ, chúng ta nên sử dụng đèn có ánh sáng đỏ hoặc dựa vào ánh sáng trăng để theo dõi rùa mẹ lên đẻ để tránh làm ản hưởng đến chúng. Nếu khiến rùa mẹ cảm thấy bất an, chúng sẽ quay trở lại biển liền mà không để lại quả trứng nào đó.

Theo thống kê, rùa mẹ thường lên đẻ trứng ở bãi Bảy Cạnh, bãi Hòn Cau, bãi Dương, bãi hòn Tre, bãi hòn Tài lớn. Các bạn tình nguyện viên như mình cũng được chia nhỏ ra nhiều bãi như vậy để hỗ trợ các anh kiểm lâm thực hiện các công tác bảo tồn rùa biển và cứu hộ rùa biển khi cần thiết. Rùa biển ở Côn Đảo thường lên đẻ từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 10 hàng năm, trong đó, tháng cao điểm là từ tháng 6 đến tháng 9.

Sau khi đẻ, rùa mẹ sẽ xoá dấu vết ổ trứng

Rùa Con Về Với Biển-4

Đêm xuống, thuỷ triều lên, là lúc rùa mẹ theo con nước lớn để có thể bò lên bờ cát nhanh hơn cho đỡ mất sức. Và đây cũng là lúc mình tham gia cùng với anh kiểm lâm để thực hiện các công tác bảo tồn Rùa biển. Đi với tụi mình lúc nào cũng kè kè là bạn cún Còi và cún Mập này, bất kể giờ giấc, tối hay sáng, chỉ cần thấy mình chuẩn bị đồ để đi là lon ton đi theo hà. Lúc nào lạnh quá thì chúng tự đào một cái hố nhỏ để chui dzô nằm cho ấm nữa. Thí cưng hen.

Với chiếc thân rùa nặng chịch ấy – thường khoảng 90kg, rùa sẽ bò chậm rãi lên bờ cát và để lại một vệt dài đều nhau. Chúng sẽ chọn những nơi có độ cao hơn mực nước biển để tránh việc nước biển tràn vào làm úng ổ trứng của chúng. Đây là dấu hiệu nhận biết rùa mẹ đã lên bờ để tìm ổ đẻ. Tắt đèn và không nói chuyện lớn, cả đội ngồi xa xa để theo dõi các hoạt động của rùa mẹ để tạo cảm giác an toàn cho rùa mẹ và sự thoải mái cho chúng đẻ trứng.

Sau khi tìm được bãi đáp ưng ý, Rùa mẹ sẽ mất khoảng 25 phút để dùng hai vây trước hất tung đám cát xung quanh ra phía sau tạo ổ phần trên. Xong rồi thêm cỡ 20 phút nữa để dùng hai chi sau móc cát từ dưới lên tạo thành một cái hố có độ sâu cỡ 50-70cm. Nếu gặp vật cản ở dưới hoặc cát sụt xuống, chúng sẽ bỏ ổ này mà bò đi tìm một nơi khác để tạo ổ khác. Và bắt đầu lại với hai chi trước – rồi hai chi sau. Nếu thuận lợi, bạn sẽ thấy mẹ rùa dùng hai chi sau che nắp ổ lại và dần dần thả những quả trứng rùa đầu tiên xuống ổ.

Lúc này, mình dung cây xăm bằng thép hoặc thanh tre, cây đủ dài để đánh dấu nơi rùa đẻ trứng. Việc này sẽ giúp mình xác định chính xác ổ trứng để tí nữa đào lên và đem trứng về hố ấp. Không làm việc này sẽ rất khó để tìm ra ổ trứng mà phải nhờ anh kiểm lâm nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ tìm ổ rùa đẻ.

Sau khi đẻ xong, rùa mẹ lại dùng hai chi sau để lấp ổ trứng ấy lại, rồi kết hợp với hai chi trước lấp ở trứng mặt trên để xoá dấu vết về ổ trứng mới đẻ của chúng. Khi thấy đã ổn thoả rồi, chúng lại bò ra hướng biển để về lại với thế giới của chúng và không trở lại thăm bầy trứng này nữa.

Khi rùa mẹ rời đi, mình bắt đầu công việc di dời ổ trứng này về hồ ấp trứng.

Để bảo tồn rùa biển tại sao phải chuyển trứng về hồ ấp?

Rùa Con Về Với Biển-3

Vì, bạn sẽ không muốn thấy những loài vật khác mò đến và ăn hết trứng rùa đâu, lại càng chẳng muốn nhìn thấy những rổ trứng rùa được con người bày bán, mà có khi, xui cho nó là một mẹ rùa khác lên và bới móc đúng ổ rùa ấy thì sẽ hư hết. Rùa đẻ đã ít rồi mà còn bị phá thế thì chắc sẽ sớm bị tuyệt chủng như loài khủng long mất.

Việc di dời này chỉ có thể làm được trong vòng 6 tiếng kể từ khi mẹ rùa nhẹ nhàng thả những quả trứng tròn ủm ấy ra. Trong khoảng thời gian này, phôi chưa được hình thành và trứng có độ đàn hồi tốt nên an toàn để lấy trứng lên và di dời.

Lúc lần đầu cầm những quả trứng này mình có phần nhát tay vì sợ vỡ, nhưng thật ra thì chúng chịu đựng va đập tốt lắm – như cách mẹ Rùa thả chúng từ trên cao xuống đáy hố trứng vậy. Chỉ bị vỡ ra khi có vật nhọn đâm vào trong quá trình bới móc ổ thôi, nên mình luôn phải cắt móng tay gọn gàng hoặc đeo bao tay để giảm thiểu rủi ro đó. Moi móc xong. Mình cho vào chiếc rổ và đem về hồ ấp trứng rùa.

Gọi là hồ nhưng nhìn chẳng giống hồ gì cả, đấy chỉ là một không gian vừa phải với đầy cát tự nhiên, 1 nửa có mái che và 1 nửa không có mái che. Mình đào một chiếc hố có độ sâu tương tự mẹ Rùa tạo ra – trung bình khoảng 50cm, rồi thả những quả trứng vừa lấy lên vào đó, lấp cát lại như cách mẹ Rùa nó làm. Sau đó cắm cây cọc nhỏ để đánh dấu. Nhìn lên cây cọc bạn sẽ biết được số thứ tự ổ trứng ấy trong hồ ấp là bao nhiêu, đẻ ngày nào và số trứng là bao nhiêu. Như hình bên dưới, bạn sẽ biết là đây là ổ trứng thứ 100, được đẻ vào ngày 5/7 và có 99 quả trứng.

Việc di dời ổ trứng về hồ ấp như thế này không chỉ tăng tỷ lệ nở, độ an toàn cho trứng rùa mà còn giúp cân bằng giới tính cho loài Rùa nữa. Giới tính rùa con được hình thành tuỳ vào nhiệt độ cát ở hố ấp của trứng. Nếu để ổ trứng rùa ấy nở tự nhiên thì tỷ lệ con đực nở ra chỉ khoảng 28% thôi. Còn ở hồ ấp được chia ra làm đôi, những ổ trứng được ấp ở nơi có giàn mái che mát hơn sẽ cho tỷ lệ con đực cao hơn và dưới ánh nắng trực tiếp sẽ cho tỷ lệ con cái cao hơn.

Quá trình thả rùa con về với biển

Rùa Con Về Với Biển

Trứng sẽ nở thành rùa con sau khoảng 45 đến 60 ngày, tuỳ vào nhiệt độ nữa. Trời càng nắng thì rùa con sẽ nhanh nở hơn. Dựa vào thông tin trên cây cọc ở từng ở trứng, đến khoảng ngày thứ 40, mình sẽ dùng chiếc sọt để úp ổ trứng đó. Để khi rùa con bò lên, chúng sẽ không bị chuột, mèo hay con vật khác ăn thịt và cũng dễ để quản lý, đo đếm về tỷ lệ nở thành công của ổ trứng nữa.

Theo tập tính, rùa con sau khi nở sẽ chưa trồi lên mặt cát liền mà đợi những “đồng bọn” của chúng trong những quả trứng khác nở ra rồi cùng nhau trồi lên một lần để vừa đỡ tốn sức bới cát bò lên nữa. Khi chúng đã lên hết, mình thực hiện việc đếm số rùa con nở thành công của ổ trứng đó. Tỷ lệ nở thành công một ổ trứng khoảng 85%.

Vì mắt rùa con còn yếu, nên thời gian đẹp nhất để thả rùa con về với biển là trước khi mặt trời lên hoặc khi hoàng hôn tắt, kết hợp với khi thuỷ triều lên nữa, để chúng sẽ hạn chế bị các loài vật khác như cua biển ăn, chim trời cắn,… Và khi thả rùa biển, tuyệt đối không được dùng tay để chạm, bốc trực tiếp vào rùa con vì lớp dầu trên tay bạn cũng sẽ làm giảm đi khả năng ghi nhớ ban đầu của chúng. Việc cầm rùa con mạnh tay quá sẽ làm vỡ những bọc trắng dưới bụng chúng – nơi chứa dinh dưỡng chúng sẽ dùng trong những ngày tiếp theo.

Rùa con phải được thả từ cách mép biển khoảng 2-3 mét và để chúng tự bò ra biển. Đây cũng là đoạn đường & thời gian để chúng ghi nhớ địa điểm này để quay lại khi chúng trưởng thành đó. Lần đầu để rùa con trên tay cảm giác chúng thật sự rất nhỏ bé khiến mình thêm cảm giác muốn được bảo vệ chúng nhiều hơn nữa. Nhưng, rùa sinh ra là để về với biển mà, nên mình đành phải để chúng về với nhà của chúng thôi. Mình không nghĩ là những lần đi lặn biển mình gặp những chú rùa thật to, bơi thật chậm rãi mà đã từng bé tí như vậy luôn đó.

Đặt rùa con xuống lại bãi cát, như biết mình sắp được về thế giới của mình nên chúng rất là năng động và nhanh nhẹn, dùng bốn chi của mình để bò ra hướng biển và nhanh chóng hoà mình vào trong làn nước biển.

Khi bơi ra xa bờ một đoạn, chúng vẫn chưa đi hẳn mà còn ngoi lên và hướng nhìn lại vào bờ như kiểu muốn nhắn nhủ một lời cảm ơn đến những ai đã nâng niu và chăm sóc ổ trứng để chúng được nở ra, về với nhà của chúng. Mà cũng có thể là chúng muốn nhìn lại lần cuối nơi chúng được sinh ra để quay trở lại khi chúng trưởng thành. Cho dù với mục đích gì đi nữa, hành động quay đầu nhìn lại này thực sự rất đáng quý luôn đó.

Theo ước tính, chỉ có khoảng 40 đến 50% tổng số rùa con được nở ra có thể sống sót ra đến đại dương sau khi băng qua những bãi biển trống, những vùng nước nông ven bờ – là những nơi luôn có nhiều loài ăn thịt. Nếu sống sót cho đến khi ra đến đại dương, chúng dùng những chất dinh dưỡng được tích trữ trong những túi trắng phía dưới của chúng trong những ngày ấp, để tiếp tục bơi liên tục trong 2 đến 5 ngày không ăn để tìm đến dòng chảy lớn.

Rùa con sẽ nương theo dòng chảy này để di chuyển, tìm thức ăn và “mất tích” từ 5 đến 15 năm sau đó. Khoảng thời gian này vẫn còn là ẩn số đối với khoa học vì gần như chưa có thể theo dõi quá trình phát triển của rùa con ở giai đoạn này. Sau đó, chúng mới di chuyển vào vùng nước nông ven bờ và bắt đầu ăn thức ăn dưới đáy cho đến khi trưởng thành và trở về nơi chúng được sinh ra khi đến mùa sinh sản.

Để rùa con được về với biển thật chẳng dễ dàng gì. Và cuộc sống của chúng ở phía trước cũng chưa đựng biết bao nhiêu hiểm nguy luôn rình rập, chỉ có một trong số 1000 con có thể sống sót đến khi trưởng thành thôi. Chúng ta hãy cùng chung tay để bảo tồn loài rùa biển này nha, từ những việc nhỏ nhất như là không mua – bán thịt & trứng rùa biển, không thải những bịch nilon hoặc nhựa chỉ dùng 01 lần ra biển. Và nếu có thời gian, hãy đăng ký làm tình nguyện viên bảo tồn rùa biển để có thể giúp một phần nào đó trong công tác “cứu sống” rùa biển nha các bạn, đừng để chúng tuyệt chủng như loài khủng long năm ấy.

Thông tin về loài rùa biển

  • Chỉ 1/1000 rùa con nở ra có thể sống sót đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, rùa biển đang bị liệt kê vào danh sách động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng.
  • Tuổi trưởng thành trung bình của rùa biển là từ 20 đến 30 tuổi
  • Giới tính của rùa biển do nhiệt độ hồ ấp. Trên 29,3 độ C, trứng sẽ nở ra rùa cái và thấp hơn sẽ là rùa đực
  • Tại Việt Nam, mùa sinh sản của rùa biển diễn ra từ tháng 4 đến tháng 10, cao điểm là từ tháng 6 đến tháng 9
  • Mỗi tổ trứng có khoảng 50 – 150 quả. Mỗi mùa sinh sản, rùa mẹ có thể đẻ 2 – 5 ổ, mỗi ổ cách nhau khoảng 2 tuần. Rùa mẹ mất 2 – 5 năm để tích trữ đủ dinh dưỡng và năng lượng cho mùa sinh sản sau
  • Rùa biển cái sẽ quay trở lại nơi chúng được nở ra, thả về biển khi đến tuổi trưởng thành & sinh sản
  • Tuyệt đối không được chạm tay trực tiếp vào rùa con vì dầu da tay sẽ làm giảm khả năng ghi nhớ địa điểm nơi chúng được thả về biển
  • Trứng rùa biển có hàm lượng cholesterol gấp 20 lần so với trứng gà. Đây là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về tim mạch, đột quỵ.

Cảm ơn bạn theo dõi bài viết

        Tìm đường đi
Gọi trực tiếp
Chat trên Zalo