Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm các dịch vụ làm visa của Visa Toàn Cầu, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "Visa Toàn Cầu". (Ví dụ: dịch vụ visa hàn quốc visatoancau). Tìm kiếm ngay
584 lượt xem

Khám Phá Con Đường Great Ocean Road

Đến thăm thành phố Melbourne, bang Victoria, miền Đông Nam Australia, du khách không thể bỏ lỡ cung đường huyền thoại Great Ocean Road. Đây là con đường được kiến tạo trên vách đá, từng được bình chọn là một trong những tour du lịch đẹp nhất thế giới. Nếu một lần được đặt chân đến di sản vô giá của xứ sở Kangaroo này, chắc hẳn bạn sẽ phải đắm chìm trong vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, lúc thì rừng rậm, lúc thì cheo leo vách đá, khi lại đại dương xanh thẳm. Hãy cùng visatoancau khám phá con đường Great Ocean Road qua bài viết dưới đây nhé!

Giới thiệu về Great Ocean Road

Khám phá con đường Great Ocean Road 

Trở lại thời những năm 1910, chiến tranh thế giới thứ nhất diễn ra với quy mô to lớn nhất trong lịch sử nhân loại khi bao trùm khắp Châu Âu, lôi kéo tất cả các cường quốc Châu Âu và Bắc Mỹ vào cuộc chiến. Thời điểm ấy, Úc vẫn là thuộc địa của nước Anh nên họ không thể đứng ngoài được mà phải cử binh lính tham gia cùng mẫu quốc. Cho đến ngày 11 tháng 11 năm 1918, cuộc chiến này mới kết thúc và để lại hậu quả với hơn 19 triệu người đã thiệt mạng – bao gồm cả những binh lính Úc.

Khi những người may mắn còn sống sau chiến tranh trở về, chính quyền Úc đã hỗ trợ và tạo công ăn cho hơn ba ngàn cựu chiến binh ấy bằng việc để họ xây dựng con đường dọc theo đường vien biển miền nam nước Úc nối liền hai thành phố Torquay và Allansford, với chiều dài khoảng 243 km trong suốt hơn 13 năm trời, từ 1919 đến 1932. Thời điểm đó, các cựu chiến binh đã quá ngán ngẩm với các âm thanh lớn như tiếng bomb, tiếng súng nên họ muốn thực hiện công việc này với các công cụ thô sơ như xẻng, rìu, xe cút kít và xe ngựa kéo hơn là các máy móc ồn ào khác. Công việc xây dựng con đường rất khó khăn và họ vẫn luôn than vãn về công việc nặng nhọc, lương thấp tuy nhiên lâu lâu có những chiếc thuyền bị mắc cạn ở những bãi biển gần họ, để có thể trở lại biển khơi, họ buộc phải bỏ lại một phần hoặc toàn bộ hàng hóa lại, và nhiêu đó là đủ làm họ vui.

Sau tất cả, con đường Great Ocean Road cũng được hoành thành, trở thành nơi tưởng niệm Chiến tranh lớn nhất thế giới và trở thành một điểm đến hấp dẫn khi đến với thành phố Melbourne.

Khám phá con đường Great Ocean Road 

Khám phá con đường Great Ocean Road 

Chỉ sau khoảng một tiếng chạy xe trên con đường cao tốc Monash nối liền trung tâm kinh tế thành phố Melbourne (Melbourne CBD) với các thành phố ven biển phía Đông – Nam nước Úc, mình ngang qua tỉnh Geelong – nơi từng được xem là thủ phủ của bang Victoria thay thế cho Melbourne vì sự phát triển quá nhanh ở thời kỳ Cơn sốt vàng những năm 1850. Sau đó là tới thị trấn Torquay – nơi bắt đầu của con đường Great Ocean Road.

Thị trấn Torquay này là nơi nổi tiếng cho những ai đam mê lướt sóng với những bãi biển nổi tiếng như là Bells, Point Impossible và Southside. Và đây cũng là nơi diễn ra nhiều cuộc thi lướt sóng nổi tiếng thế giới, nên không có gì lạ nếu RipCurl – một thương hiệu đồ đi biển, đồ lướt sóng nổi tiếng thế giới – đặt trụ sở chính của họ tại Torquay ha.

Chạy xe thêm khoảng bốn mươi phút nữa, mình đến với thị trấn Anglesea, một thị trấn yên tĩnh nằm cạnh con sông yên bình Anglesea thích hợp cho cả gia đình đi nghỉ dưỡng và nổi tiếng với bộ môn chèo thuyền. Ban đầu, nơi này được gọi là Swampy Creek, cho đến năm 1885 thì được đổi tên thành tên một hòn đảo nhỏ ở Xứ Wales (nước Anh).

Rời Anglesea sau khi đã thưởng thức ly cà phê thơm ngon với chiếc bánh mì ở cửa hàng Anglesea General Store cổ, mình tiếp tục đến với Cổng tưởng niệm Great Ocean Road được đặt ở Eastern View.

Chiếc cổng đầu tiên được dựng lên vào năm 1939, sau đó khoảng 33 năm thì con đường này được mở rộng nên chiếc cổng cũng được thay thế cho phù hợp hơn. Và vào năm 1983, ở đây đã xảy ra bị cháy rừng làm cháy chiếc cổng này, chỉ riêng có tấm bảng hiệu là được giữgìnkhi nó bị rớt xuống. Nếu để ý kỹ thì bạn có thể vẫn thấy được một góc bị cháy xém trên chiếc bảng hiệu đang được treo ở cái cổng hiện tại đó.

Sau khi dừng lại đây chụp vài tấm hình để “check-in”, mình lại tiếp tục lên đường đểthưởng thức cái đẹp của con đường này. Điểm dừng tiếp theo của mình là thị trấn Lorne – nơi mình sẽ dừng để ăn trưa luôn.

Lorne có lẽ là thị trấn đông vui và nhộn nhịp nhất trên cung đường Great Ocean Road  này khi dọc con đường ở Lorne là những quán cafe, nhà hàng, quán pub,… luôn tấp nập người ra vào. Nhìn chung thì mình thấy ở đây đa số là các bạn trẻ, lúc nào cũng có thể nhún nhảy theo các điệu nhạc phát ra thì các quán pub gần đó, tự nhiên mình thấy tràn trề năng lượng khi ở đây.

Với những đặc điểm như vậy, Lorne trở thành nơi diễn ra sự kiện thể thao lớn mang tên “The Pier to the Pub” – nôm na là Từ bãi biển đến quán Pub. Đây là một cuộc thi bơi lội từ bến cảng, vòng qua những chướng ngại vật để bơi tới bãi biển, sau đó sẽ chạy vào quán pub bất kỳ để uống một ly bia đầy để hoàn thành toàn bộ phần thi. Vì được uống bia miễn phí nên mỗi lần tổ chức, sự kiện luôn thu hút một lượng khác rất lớn để trở thành cuộc thi bơi lội lớn nhất thế giới.

Sau khi nghỉ trưa, mình tiếp tục hành trình để đến với điểm dừng chân tiếp theo là Kennet River, nơi được xem là thiên đường của những loài chim và những động vật khác.

Và điều mình thích nhất ở đây là dụ mấy con vẹt, con két nhiều màu sắc để đậu trên tay bằng những loại hạt nhỏ nhỏ và có thể tận mắt nhìn thấy Koala – một trong những con thú chỉ có ở Úc thôi. Àh, mà Koala không phải là một loại gấu đâu nha, có hẳn một bài hát tên là “Don’t call me a Koala bear” (Đừng gọi tôi là gấu Koala) chỉ để giải thích vì sao Koala không phải là một trong những loại Gấu. Vì Koala là thú có túi và không có loài Gấu nào có túi như Koala. Chỉ đơn giản là thế thôi.Hehe.

Koala sống lành mạnh và làm biếng lắm nhé. Mỗi ngày Koala dành phần lớn thời gian chỉ để ngủ, có khi ngủ đến 19-20 tiếng mỗi ngày cơ. Mỗi lần thức dậy là nó lại đi kiếm ăn. Món ăn yêu thích nhất của Koala là những lá cây bạch đàn vì loại này chứa rất ít đường nên rất là ít năng lượng, bởi vậy chúng không cần phải làm gì cả, chỉ có ăn và ngủ thôi. Nếu đứng dưới nhìn Koala thì giống như đang xem một cuốn phim siêu chậm ấy, chúng làm cái gì cũng chậm, ăn cũng chậm, đi chậm, leo cây chậm. Nhưng mà nhìn chúng rất là dễ thương nha. Chỉ tiếc là, hiện tại số lượng Koala đã và đang giảm dần vì môi trường sống của chúng đang bị phá hủy dần. Bởi vậy, chính phủ Úc đã liệt Koala vào danh sách cần được bảo tồn.

Chơi bời với Koala và những chú két xong, mình lại tiếp tục lên đường. Mình có đi ngang qua thị trấn Apollo Bay, nơi từng là một làng chài buồn chán và giờ đã trở thành một nơi thu hút những người… có tuổi để để nghỉ dưỡng nên dễ thấy là cuộc sống ở đây khá là chậm. Nói cho vui thì, nếu một gia đình xuất phát từ Melbourne, những đứa trẻ nhà họ sẽ xuống Lorne để chơi, bố mẹ chúng sẽ chạy xuống Apollo Bay để nghỉ dưỡng, sau đó khi về họ sẽ đi ngược về để đón con cái của họ. Cùng một con đường nhưng lại có nhiều lựa chọn cho nhiều đối tượng ha.

Đang bon bon trên con đường Great Ocean Road thì không gian xung quanh bắt đầu có chút thay đổi, thay vì những cảnh biển ven núi thì bây giờ chỉ là còn là những lớp cây cao vút, thẳng tắp ở hai bên đường. Mở Google Maps lên xem thì mình biết được là mình đang chạy ngang qua Công viên quốc gia Great Otways, nơi tập hợp những ngọn núi không lớn quá và được hình thành từ 130 triệu năm trước. Con đường Great Ocean Road ở đoạn này nằm cách xa biển vì thời ấy họ cho rằng, làm đường mới trên con đường mòn mà những người đốn gỗ xưa kia đã tạo sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn là làm đường mới ven biển. Và khi ở giữa con đường này, những gì các bạn có thể nhìn thấy là một màu xanh tuyệt đẹp, bởi vâỵ khu này còn có tên gọi khác là Green Coast.

12 Vị Tông Đồ và những chiếc thuyền đắm 

12 Vị Tông Đồ và Những chiếc thuyền đắm 

Càng chạy về gần cuối con đường huyền thoại Great Ocean Road càng có nhiều thắng cảnh thiên nhiên đẹp một cách ngỡ ngàng, nhất là những tảng đá vôi ngoài bờ biển được đặt tên là Twelve Apotles – 12 Vị Tông đồ. Tuy nhiên, lúc này trời còn hơi nắng nên mình sẽ dành điểm này cho việc ngắm hoàng hôn vì hoàng hôn ở Twelve Apotles được mệnh danh là Hoàng hôn đẹp nhất Melbourne cơ mà.

Thẳng tiến con đường này mình đến với “nghĩa địa” của khoảng 80 chiếc thuyền bị đắm với hàng trăm người thiệt mạng trong khu Công viên quốc gia Port Campell. Khu vườn quốc gia này được thành lập vào năm 1964 để bảo vệ vùng bờ biển dài khoảng 32 km. Điểm đặc trưng của khu vực này là những bờ vực rất cao với những đường vân đẹp mắt do sóng biển liên tục vỗ vào hàng chục triệu năm trước hình thành. Ví dụ như là khu Gibson Steps mà mình đang đứng ở dưới, ngẩng thật cao đầu để thấy độ cao hoành tráng của bức tường đá vôi ấy.

Thắng cảnh này được đặt theo tên của Hugh Gibson, một người nông dân sống ở khu vực này. Ông là người đã tạo nên những bậc thang từ mặt đường xuống dưới bãi biển và bám vào vách đá vôi khổng lồ ấy, mục đích chỉ là để ông ấy dễ dàng xuống điểm câu cá yêu thích của mình thôi. Nếu bạn không sợ độ… hơi cao thì có thể dành ít phút để đi xuống 86 bậc thang Theo chiều thẳng đứng có 70 mét nha, xuống dưới rồi bạn có thể nhìn ngang để thấy được một phần của 12 vị Tông đồ nha.

Nếu nhìn trên bề nổi chúng ta thấy những cột đá thật đẹp mắt như vậy nhưng mấy ai biết được phía sau mặt nước biển và những cơn sóng ấy là là những tảng đá ngầm đầy nguy hiểm cho những người lái tàu buôn hàng không rành địa bàn biển nơi này. Điển hình là vụ đắm tàu của con tàu Loch Ard vào năm 1878, sự kiện này nổi tiếng đến nổi tên của con tàu được đặt tên cho cửa biển ở đây luôn và một phần của con tàu này vẫn đang chìm ở cửa biển Loch Ard – nơi chỉ cách Gibson Steps khoảng mười phút chạy xe.

Đi kèm với câu chuyện bi kịch của con tàu ấy là một câu chuyện tình giữa Tom Pearce – một thành viên của chuyến tàu và Eva Carmichael – một nữ hành khách trên chuyến tàu hôm ấy. Vào đêm xảy ra vụ đắm tàu, sau hai tháng lênh đênh trên biển, các hành khách và thủy thủ trên chuyến tàu tổ chức ăn uống và vui chơi trước khi họ đến với vịnh Port Philip vào sáng hôm sau,rất gần với điểm đích của họ là Melbourne. Tuy nhiên, tối hôm đó ở khu vực vùng biển này có sương mù dày đặc khiến thuyền trưởng mất tầm nhìn. Với tác động của những cơn gió mạnh và thủy triều, chiếc tàu bị thổi vào những mỏm đá và đắm chìm dần. Trong số 54 hành khách và thủy thủ chỉ có hai người sống sót, là Tom và Eva, cả hai chỉ mới 18 tuổi vào thời điểm đó.

Khi tàu đang chìm dần, Tom đã may mắn ôm được một mảnh xác tàu và sau năm tiếng lênh đênh trên biển, Tom trôi dạt vào bờ. Tomtìm được một cái hang ngay gần đó để nghỉ ngơi. Đang nằm nghỉ thì Tom nghe tiếng kêu cứu của một cô gái – là Eva. Sau khi cứu được Eva, cả hai đã có những ngày sống trong hang cho đến khi họ được những người chăn ngựa gần ấy phát hiện và giúp đỡ họ.

Sau thảm họa hôm ấy, Tom và Eva nổi tiếng toàn nước Úc, người ta bắt đầu bàn tán và phóng đại hóa chuyện tình cảm của họ. Tuy nhiên, Eva lại cho rằng đất nước Úc là một đất nước tồi tệ sau những gì cô đã trải qua và chứng kiến nên cô ấy đã khăn gói trở về Ireland, sống cuộc sống hạnh phúc với ba người con đến năm cô ấy 78 tuổi. Còn Tom, anh ấy vẫncó tình yêu với biển và trở thành thuyền trưởngcho đến khi anh ấy mất ở tuổi 49.

Save the best for last– những cái gì đẹp nhất thường để cuối. Câu này có vẻ đúng với hành trình khám phá con đường Great Ocean Road hôm nay vì điểm tiếp theo mình đến là thắng cảnh Twelve Apostles (12 Vị Tông Đồ) ở khu vực Vườn quốc gia Port Campbell, nơi được đánh giá là đẹp nhất trên cung đường này.

Twelve Apostles là tên gọi của tổ hợp những tảng đá vôi ngoài biển mà những người đầu tiên đến khu vực này đã đổi tên theo 12 vị môn đồ của chúa Giê-su. Không ai hoặc tài liệu nào chắc chắn về con số 12 tảng đó như trong tên gọi của nó cả vì khi đến tận nơi xem thì chẳng bao giờ bạn đếm được đủ 12 tảng đá vôi này. Nhưng gần đây nhất, vào năm 2015 đã có một trong số những tảng đá vôi này bị sóng biển làm xoái mòn và đổ sập xuống. Và tảng đá này được coi là tảng đá cao nhất thế giới và là biểu tượng của bang Victoria luôn.

Số lượng “vị tông đồ” hiện tại chỉ còn khoảng bảy vị thôi và các vị ấy cũng chưa biết khi nào các vị sẽ “về trời” nữa vì còn phụ thuộc vào những cơn sóng sẽ bào mòn các vị ấy như thế nào. Nếu bạn có chuyến đi đến Melbourne, muốn rong ruổi trên con đường Great Ocean Road thì đừng ngại ngần chạy xa thêm một xíu nữa để tận mắt ngắm vẻ đẹp mà Mẹ Thiên Nhiên đã ban tặng nơi này nha, nhất là Twelve Apostles.

Khi ánh sáng của ngày dần tắt cũng là lúc dòng người từ thắng cảnh Twelve Apostles trở lại bãi đậu xe cách đó không xa để trở về lại thành phố Melbourne. Mình tin là họ sẽ luôn nói với bạn bè của họ rằng “Đến Melbourne mà không đi Great Ocean Road và Twelve Apostles sẽ là một điều thiếu xót rất lớn” – giống như mình.

Ngồi trên xe và nhớ về lại những gì mình thấy và trải nghiệm hôm nay, công nhận Great Ocean Road đúng là một công trình vĩ đại của chính quyền Úc khi giúp cho những người cựu chiến binh có công ăn việc làm sau Thế chiến Thứ nhất, giúp các thị trấn ven biển mà con đường đi ngang qua được phát triển thấy rõ và giúp cho thế giới biết đến Mẹ Thiên Nhiên đã ưu ái nước Úc thế nào với những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Cảm ơn bạn theo dõi bài viết!

        Tìm đường đi
Gọi trực tiếp
Chat trên Zalo